VN-Index, VN30-Index và cách tính toán
VN-Index
VN-Index là chỉ số đại diện cho Sở HoSE từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên HoSE.
Chỉ số này được tính theo phương pháp trọng số giá trị thị trường, dựa vào mức độ chi phối của từng cổ phiếu được sử dụng.
VN-Index có giá trị cơ sở ban đầu là 100 điểm, vào ngày cơ sở là ngày đầu tiên thị trường đi vào hoạt động 28/7/2000.
VN-Index được tính theo công thức:
VN-Index = (Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết hiện tại / Tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết cơ sở) x 100
Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu sẽ làm thay đổi giá trị chỉ số, đồng thời được so sánh tăng giảm đối với phiên giao dịch trước bằng %.
Ngoài ra, một số nhân tố khác làm thay đổi cơ cấu số cổ phiếu niêm yết là khi thêm, bớt cổ phiếu giao dịch vào cơ cấu tính toán. Điều này sẽ làm phát sinh tính không liên tục của chỉ số, các trọng số và cơ sở để xác định bình quân thị trường số chia đã thay đổi. Do đó, số chia mẫu số trong công thức tính chỉ số trên phải được điều chỉnh nhằm duy trì tính liên tục cần có của chỉ số.
VN30-Index
Bên cạnh VN Index, HoSE đã lập và đưa vào sử dụng VN30-Index bắt đầu từ ngày 06/02/2012. Công thức dùng chung với Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index.
Chỉ số này gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất. Ví dụ, tính tới cuối phiên ngày 10/5/2022, nhóm 30 cổ phiếu này có tổng mức vốn hóa thị trường đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của nhóm 30 mã bluechip chiếm gần 40% tổng giá trị giao dịch của sàn.
Theo quy định, vào ngày thứ hai của tuần thứ tư tháng 1 và tháng 7 hàng năm, HSX sẽ thực hiện đổi rổ cổ phiếu của chỉ số VN30-Index.
Các bước để chọn 30 cổ phiếu trong rổ VN30:
– Chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Tuy nhiên các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thuộc Top 5 của thị trường thì chỉ yêu cầu thời gian niêm yết 3 tháng trở lên.
– Loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%.
– Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).
– HoSE xem xét lần cuối cùng trước khi công bố rổ chỉ số mới một tuần trước ngày bắt đầu giao dịch rổ chỉ số mới.
– Công thức tính VN30-Index như sau:
VN30-Index = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại (CMV) / Giá trị vốn hóa thị trường cơ sở (BMV)
ROA, ROE là gì?
ROA và ROE là hai chỉ số cơ bản thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một doanh nghiệp.
ROA
ROA – tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (Return on total assets), là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty.
Công thức: ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Tổng tài sản
ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản). ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các công ty, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi công ty qua các năm và so giữa các công ty tương đồng nhau.
Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. Hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thể hiện qua ROA. ROA càng cao thì càng tốt vì công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn.
Ví dụ nếu công ty A có thu nhập ròng là 10 tỷ đồng, tổng tài sản là 50 tỷ đồng, khi đó tỷ lệ ROA là 20%. Tuy nhiên nếu công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 100 tỷ đồng, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy, cùng mức lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng công ty A hiệu quả hơn.
Các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới tỷ lệ lãi suất mà công ty phải trả cho các khoản vay nợ. Nếu một công ty không kiếm được nhiều hơn số tiền mà chi cho các hoạt động đầu tư, đó không phải là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, nếu ROA mà tốt hơn chi phí vay thì có nghĩa là công ty đang tận dụng tốt đòn bẩy tài chính.
ROE
ROE – tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (Return on common equyty), là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường.
Công thức: ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường/Vốn cổ phần thường
Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.
Tỷ lệ ROE càng cao chứng tỏ ban điều hành công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, cho nên chỉ số này thường là một tiêu chí quan trọng để xem xét cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.
Việc đánh giá tỷ lệ ROE thế nào là hợp lý sẽ có sự khác nhau của các ngành, lĩnh vực kinh doanh. Đơn cử như với thị trường chứng khoán Việt Nam, mức ROE trung bình của nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp khoảng 8,5%, doanh nghiệp xây dựng và cung cấp vật liệu xây dựng có ROE 11,6%, trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ có tỷ lệ ROE cao hơn đáng kể, ở mức 25,6%. Sự khác nhau này tùy thuộc vào mức độ thâm dụng vốn trong hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận.
Một nguyên tắc chung khi đánh giá doanh nghiệp là hướng tới các công ty có ROE bằng hoặc cao hơn mức trung bình ngành. Ví dụ: công ty A đã duy trì ROE ổn định là 18% trong vài năm qua so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 15%. Nhà đầu tư có thể kết luận rằng ban lãnh đạo của A đã sử dụng đồng vốn của cổ đông hiệu quả để tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình”.
Khi tính toán được tỷ lệ này, các nhà đầu tư có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể như sau:
– ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu công ty có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng.
– ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá công ty này có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.
Chỉ số EPS là gì?
EPS (Earnings per share), là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu thông thường đang được lưu hành ở trên thị trường.
EPS là một trong nhiều chỉ số được nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn cổ phiếu, dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận của một công ty (hay dự án đầu tư) cũng như đánh giá về sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
EPS được tính bằng cách chia thu nhập ròng mà công ty kiếm được trong một kỳ báo cáo (quý hoặc năm) với tổng số cổ phiếu hiện đang được lưu hành của công ty trong cùng kỳ. Vì số cổ phiếu đang lưu hành có thể dao động, nên khi tính toán, việc sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ sẽ đem lại kết quả chính xác hơn.
EPS chia làm 2 loại, bao gồm EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS), có công thức tính khác nhau:
EPS cơ bản:
EPS pha loãng:
Ví dụ, lợi nhuận sau thuế công ty A năm 2021 là 431 tỷ đồng. Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu lưu hành trong kỳ của công ty A là 41,7 triệu cổ phiếu. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là khoảng 10.335 đồng.
Công ty dự kiến phát hành thêm 43 triệu cổ phiếu, khi đó, EPS pha loãng còn khoảng 5.089 đồng.
Nếu các nhà đầu từ chỉ quan tâm đến chỉ số EPS cơ bản, bỏ qua việc dự đoán EPS pha loãng trong tương lai có thể dẫn đến những quyết định chưa chính xác. Vậy nên, báo cáo kết quả kinh doanh của công ty luôn cần đến hai chỉ số là EPS cơ bản và EPS pha loãng.
Trên thực tế, nhà đầu tư có thể tìm chỉ số EPS của doanh nghiệp qua Báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp (công ty cổ phần).
Một doanh nghiệp có EPS tăng ổn định trong vòng nhiêu năm thì được đánh giá là một doanh nghiệp có nền tảng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ căn cứ vào EPS làm một thước đo tài chính duy nhất mà tham khảo kết hợp với việc phân tích các chỉ số khác. Trong đó, nổi bật nhất là các chỉ số như P/E (tỷ lệ giá theo thu nhập), ROA (tỷ suất sinh lời trên tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), tỷ số thanh toán bằng tiền mặt, tỷ số thanh toán nhanh.
Chỉ số P/B, P/E là gì?
Chỉ số P/B và P/E là công cụ giúp nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.
Chỉ số P/B (Price-to-Book ratio) là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.
Công thức tính như sau:
Giá cổ phiếu
P/B = ———————————————-
Tổng giá trị tài sản – giá trị tài sản vô hình – nợ
Ví dụ: Giả sử một công ty có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 200 tỷ đồng, tổng nợ 150 tỷ đồng, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 50 tỷ. Hiện tại công ty có 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 25.000 VND. Nếu giá thị trường của cổ phiếu đang là 75.000 VND, thì P/B của cổ phiếu được tính như sau:
P/B = 75.000/25.000 = 3
Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS).
Ý nghĩa của chỉ số này thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Hay, bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.
Công thức tính chỉ số P/E:
Giá thị trường của cổ phiếu
P/E = ———————————————-
Thu nhập trên một cổ phiếu
Ví dụ: Giả sử giá thị trường tại thời điểm 31/12/2020 của cổ phiếu X là 22.000 đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2.000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu X là 11.
Đối với các nhà đầu tư, P/B và P/E đều là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua.
Nếu cổ phiếu của một doanh nghiệp có thị giá thấp hơn giá trị ghi sổ (P/B < 1), về mặt lý thuyết, bạn có thể mua tất cả cổ phiếu đang lưu hành của công ty, thanh lý tài sản và kiếm được lợi nhuận vì tài sản ròng có giá trị cao hơn vốn hóa cổ phiếu.
Nhưng không hẳn lúc nào điều này cũng là món hời. Một cổ phiếu duy trì P/B<1, có thể thị trường đang nghĩ rằng giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức.
Tuy nhiên, cũng có thể doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách tăng lên, tốc độ tăng nhanh hơn thị giá cổ phiếu. Lúc này, có thể thị trường chưa đánh giá đúng giá trị công ty, cổ phiếu có tiềm năng tăng giá.
Với doanh nghiệp có chỉ số P/B ở mức cao, điều này có thể do thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị sổ sách doanh nghiệp.
Chỉ số P/B chỉ thực sự có ích khi nhà đầu tư xem xét các doanh nghiệp có mức độ tập trung vốn cao hoặc các công ty tài chính, bởi giá trị tài sản của các công ty này tương đối lớn.
Với P/E, nếu chỉ số này cao, điều này có thể là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.
Nhưng ngược lại, cũng có khả năng thị giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh so với tốc độ tăng của hoạt động kinh doanh, dẫn tới P tăng nhanh hơn E, đẩy tỷ lệ này lên cao. Trong trường hợp này, có thể giá cổ phiếu đã bị thổi phồng quá mức.
ROIC là gì?
ROIC là một trong những chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư xem xét doanh nghiệp khi tìm cố phiếu có chất lượng cao.
ROIC được viết tắt từ tiếng Anh: Return on Invested Capital, có nghĩa Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư. Đây là một chỉ số tài chính đo lường tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà một công ty kiếm được trên vốn đầu tư, đại diện cho việc công ty đó đã sử dụng vốn hiệu quả như thế nào, thường được biểu thị giá trị trong 12 tháng.
ROIC là một KPI rất quan trọng có thể đóng vai trò là “bằng chứng” cho thấy ban lãnh đạo có năng lực và có thể dựa vào đó để theo đuổi và tận dụng các cơ hội sinh lời. ROIC càng cao thì doanh nghiệp đó càng kinh doanh sinh lời hiệu quả.
Công thức tính ROIC
hoặc cách tính khác:
Trong đó:
Lợi nhuận sau thuế (Net Operating Profit After Taxes – NOPAT) là thước đo để đánh giá tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư (cổ đông) và chủ nợ sẽ biết chính xác tình trạng lời lỗ của công ty. Trong công thức tính ROIC, mọi người nên dùng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ. Vì đây là lợi ích thực tế cuối cùng, thuộc về công ty mẹ, nơi nhà đầu tư đang tìm hiểu để đầu tư mua cổ phiếu. Việc này cũng lọc được trường hợp công ty mẹ nắm quyền biểu quyết đa số nhưng chỉ nhận lợi ích thiểu số.
Vốn đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động được để phát triển công ty cũng như vận hành các hoạt động hàng ngày. Công thức tính vốn đầu tư:
Vốn đầu tư = Vốn chủ hở hữu + Nợ – Tiền và các khoản tương đương tiền
Tỷ lệ free float là gì?
Free float là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.
Tỷ lệ free float được tính theo công thức như sau:
f = (Khối lượng cổ phiếu lưu hành – Khối lượng cổ phiếu không tự do chuyển nhượng)/Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Thực tế, phần lớn cổ phiếu đều có thể chuyển nhượng tự do. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, cổ phiếu không được giao dịch tùy ý.
– Cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật: phát hành cho cổ đông sáng lập, phát hành riêng rẻ dưới 100 nhà đầu tư, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng của doanh nghiệp FDI khi chuyển sang công ty cổ phần và các trường hợp hạn chế chuyển nhượng khác theo quy định.
– Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông nội bộ công ty và người có liên quan
– Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông chiến lược
– Cổ phiếu trực thuộc quyền sở hữu của cổ đông nhà nước
– Cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông lớn, ngoại trừ nắm giữ của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán) và quỹ đầu tư chứng khoán. Khi cổ đông lớn nắm giữ tỷ lệ dưới 4% mới không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tỷ lệ free float được ứng dụng để tính vốn hóa thị trường điều chỉnh. Do chỉ số này chỉ bao gồm những mã cổ phiếu được giao dịch tự do trên thị trường chứng khoán nên có thể phản ánh tình hình thực tế chính xác hơn so với giá trị vốn hóa gốc.
Một mã cổ phiếu có tỷ lệ free-float thấp đồng nghĩa rằng nó có khả năng biến động lớn, vì chỉ có một lượng cổ phiếu hạn chế có sẵn để mua và bán. Điều này cũng đi kèm với rủi ro lớn hơn khi giá cổ phiếu có thể dễ bị thao túng.
Quy tắc về làm tròn tỷ lệ free float như sau:
– Nếu tỷ lệ free float <15%, làm tròn theo bước 1%. Ví dụ, cổ phiếu A có tỷ lệ free float là 13,55% sẽ được làm tròn lên thành 14%.
– Nếu tỷ lệ free float lớn >15%, làm tròn theo bước 5%. Ví dụ, cổ phiếu B có tỷ lệ free float là 36,55% sẽ được làm tròn lên thành 40%.